Thực phẩm trữ đông có giữ được chất dinh dưỡng và độ tươi ngon?
Đông lạnh là phương pháp bảo quản thực phẩm thích hợp, tiện lợi và an toàn. Nếu biết cách trữ đông thực phẩm sẽ vẫn giữ được chất dinh dưỡng, hương vị và độ tươi ngon.
Lợi ích của phương pháp đông lạnh thực phẩm
Đông lạnh thực phẩm là biện pháp làm lạnh nhanh thực phẩm rồi trữ đông ở âm 18oC. Quá trình đông lạnh làm cho vi khuẩn không hoạt động, ngăn chặn sự tăng trưởng của vi sinh vật gây hư hỏng và gây bệnh truyền qua thực phẩm.
Thực phẩm đông lạnh không cần sử dụng chất bảo quản nên ngoài công dụng lưu trữ thực phẩm được lâu hơn, chúng sẽ an toàn hơn so với các loại thực phẩm có sử dụng chất bảo quản.
Thực phẩm đông lạnh có bị mất chất dinh dưỡng?
Chất lượng dinh dưỡng và độ tươi ngon của thực phẩm đông lạnh phụ thuộc vào chất lượng thực phẩm trước khi cấp đông. Vì vậy cần chú ý khâu lựa chọn thực phẩm. Nếu thực phẩm có chất lượng tốt nhất và được đông lạnh đúng cách thì khi sử dụng vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng và hương vị của thực phẩm.Ngoài ra, nếu thời gian làm lạnh càng nhanh thì sẽ giúp giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng hơn trong thực phẩm.
Màu sắc và mùi vị của thực phẩm thay đổi sau khi đông lạnh có ảnh hưởng gì?
Trên thực tế, các sản phẩm đông lạnh thường có sự thay đổi về màu sắc.Ví dụ thịt tươi trước khi cấp đông thường có màu đỏ tươi, sau khi cấp đông có thể chuyển thành màu đỏ nâu, nâu nhạt. Màu sắc của thịt gia cầm thường không thay đổi nhưng phần xương có thể chuyển sang màu sẫm. Nguyên nhân có thể do thực phẩm bị mất nước trong quá trình đông lạnh, bị ô xy hóa. Một số thực phẩm có mùi vị không tốt. Nguyên nhân có thể do thực phẩm bảo quản quá lâu.
Đông lạnh thực phẩm trong thời gian bao lâu là tốt nhất?
Trên lý thuyết, thực phẩm được sơ chế đúng cách và bảo quản trong tủ đông ở nhiệt độ âm 18oC sẽ an toàn gần như vô thời hạn, nhưng điều đó không có nghĩa là thực phẩm vẫn giữ được chất dinh dưỡng, hương vị và độ tươi ngon.
Vì vậy, để thực phẩm đông lạnh đảm bảo được chất lượng tốt nhất, nên bảo quản và sử dụng trong một thời gian nhất định. Thông thường thời hạn bảo quản các loại thịt lợn, thịt bò, gà nên sử dụng trong vòng 3 - 12 tháng; Cá, hải sản từ 3- 6 tháng; Các loại quả mọng nước khoảng 3 tháng; Các loại quả khác từ 9 - 12 tháng; Các loại rau 6- 12 tháng…
Một số cách trữ đông thực phẩm
Bảo quản thực phẩm một cách an toàn sẽ giúp cho chúng ta không chỉ tiết kiệm tiền bạc mà còn bảo đảm sức khỏe cho cả nhà. Dưới đây là những cách trữ đông thực phẩm:
1. Nhiệt độ phù hợp
Thực phẩm sẽ ít khi bị hỏng hay nấm mốc khi trữ trong tủ đông miễn là nhiệt độ luôn ở mức âm 18°C hoặc thấp hơn.Tuy nhiên, chất lượng có thể bị ảnh hưởng khi lưu trữ trong tủ đông quá lâu dẫn đến mùi khó chịu.
Khi thực phẩm được đóng băng, vi khuẩn cũng ngủ đông trong quá trình đó. Nhưng khi bỏ ra ngoài chúng có nguy cơ sống lại, vì vậy chúng nên được chế biến đúng cách ngay khi rã đông.
2. Đồ đựng trong tủ đông
Bọc, đóng túi và bảo quản thực phẩm đúng cách trong tủ đông. Chỉ sử dụng túi cấp đông được thiết kế đặc biệt hoặc hộp nhựa để đông lạnh thực phẩm và tránh không gian trống bên trong. Không khí vẫn còn trong túi, hộp đựng là nguyên nhân khiến thực phẩm đông lạnh xuống cấp. Phương pháp đóng gói thực phẩm tốt nhất là với hệ thống hút chân không.
Hãy chắc chắn các hộp đựng thực phẩm đều được đóng kín và có kích thước phù hợp để giảm thiểu không gian trống. Nếu bạn đang sử dụng loại túi giấy màu nâu, hãy cân nhắc thêm một túi nhựa để bảo vệ thực phẩm đông lạnh gấp đôi. Đừng bao giờ sử dụng túi không dành cho thực phẩm, chẳng hạn như túi đựng rác hoặc túi gia dụng. Nếu bạn không chắc chắn đó là túi thực phẩm an toàn, đừng sử dụng nó.
3. Sắp xếp hợp lý
Sử dụng phần đóng băng nhanh của tủ đông cho các loại thực phẩm cần cấp đông mới, sau đó sắp xếp lại sau khi chúng đã đông lạnh. Tránh xếp chồng nhiều gói thịt tươi lên nhau.
Muốn thực phẩm được trữ đông lạnh với chất lượng cao nhất đừng đợi một vài ngày sau đó mới quyết định bỏ vào ngăn đá. Hãy cấp đông ngay khi có thể để giữ chất lượng thực phẩm được tươi ngon nhất. Đối với việc phân loại thực phẩm, nên phân loại dựa trên thực phẩm có khả năng tự tách ra khi đông hay là không.
Thực phẩm tự thân nhiều nước như thịt, cá, thì khi trữ đông cần thực hiện làm một trong ba cách:
- Cách thứ nhất: Chừa các khoảng cách, không để sát nhau. Cách này sẽ khá tốn thể tích, trữ đông 01 ngày thực phẩm đã se mặt mình sẽ lấy ra lắc cho rời ra và dồn lại vào 01 hộp nhỏ hơn cho tiết kiệm thể tích.
- Cách thứ hai: Sử dụng lá chuối, lá dứa để quấn quanh và chia ngăn giúp trữ tách biệt đồng thời lấy ra rất dễ dàng khi đông, ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu.
- Cách thứ ba: Trữ vừa vặn một khẩu phần ăn, rã đông là nấu ăn luôn, không rã đông rồi tái cấp đông rất phản khoa học.
4. Những thực phẩm không nên cấp đông
Những thứ như sữa hoặc các thực phẩm có nguồn gốc từ mayonaise, thực phẩm không đông cứng hoặc một số có xu hướng tách nước trong quá trình rã đông thì không nên để trong ngăn đông lạnh.
Thực phẩm nằm trong tủ đông càng lâu thì càng có xu hướng xấu đi về chất lượng và màu sắc. Tốt nhất là đông lạnh chỉ trong một thời gian ngắn. Nhớ dán nhãn và ngày cho tất cả các thực phẩm đông lạnh. Việc này giúp bạn xác định thực phẩm gì và biết khi nào nên sử dụng chúng trước khi chất lượng của chúng bị giảm sút.
Đôi khi, thực phẩm đông lạnh có thể trông ổn khi mới lấy ra từ ngăn đá, nhưng sau khi tan băng, hãy chú ý đến màu sắc và mùi của chúng để xác định chất lượng. Ngay cả khi những thực phẩm này an toàn, chất lượng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và bạn nên loại bỏ nó. Để tiết kiệm, hãy lên kế hoạch về thời gian sử dụng trước khi tích trữ thực phẩm.
Một số cách rã đông
Rã đông ngay trong tủ lạnh là phương pháp tốt nhất và an toàn nhất bằng cách bỏ khỏi ngăn đá để xuống ngăn mát. Nhưng thực phẩm rã đông trong tủ lạnh mất nhiều thời gian hơn, thường là qua một đêm đối với thịt và hai đến ba ngày đối với gà nguyên con. Đặt thức ăn lên đĩa để tránh dây nước ra khắp tủ lạnh khi đá tan.
Nếu ngâm trong nước tới khi tan hết băng, thực phẩm nên được ngâm và thay nước sau mỗi nửa giờ. Thời gian rã đông sẽ khác nhau tùy thuộc vào kích thước.
Sau khi rã đông, luôn luôn kiểm tra trước khi nấu. Trái cây có xu hướng mất rất nhiều nước khi rã đông. Thịt đông lạnh nên được nấu ngay sau khi rã đông và không được để ở nhiệt độ phòng trong bất kỳ khoảng thời gian nào. Cắt bỏ các phần bị hỏng dù chỉ là nghi ngờ.
Một số lưu ý:
+ Đối với rau củ: Có thể nấu, xào hoặc hấp trực tiếp rau củ đông lạnh mà không cần rã đông trước;
+ Đối với trái cây: Lấy trái cây ra khỏi ngăn đông trước 10 phút khi có nhu cầu sử dụng để tránh bị quá mềm hoặc quá cứng, rã đông không quá 24h trong ngăn mát. Không cần rã đông các loại trái cây đông lạnh trực tiếp như quả mọng, chuối, xoài,..;
+ Đối với thịt cá: Lấy thịt cá ra khỏi ngăn đông và trữ ở ngăn mát tủ lạnh trước khi nấu từ 6-8 giờ và không để quá 24 giờ. Thịt cá dùng để nướng vỉ hoặc chiên thì có thể được nấu luôn mà không cần rã đông. Đối với tôm, có thể cho thực phẩm vào rây và xả dưới vòi nước lạnh để rã đông.
+ Thịt đã chế biến: Rã đông không quá 24h trong ngăn mát. Các bữa ăn đã chế biến sẵn có thể được hâm nóng trực tiếp trên bếp mà không cần rã đông trước.
+ Rã đông bằng lò vi sóng: Có thể dùng lò vi sóng với chức năng rã đông để rã đông thực phẩm. Không nên rã đông rau, củ, trái cây bằng lò vi sóng. Đối với thịt cá, lưu ý đến thời gian dã đông vì thịt có thể bắt đầu chín.Trong quá trình dã đông, nên dừng lại kiểm tra và trở mặt thịt, cá.
Hy vọng với những thông tin hữu ích trên đây, các bạn sẽ biết cách bảo quản thực phẩm bằng phương pháp đông lạnh an toàn và chất lượng, đảm bảo nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.